[Sức khỏe -Tinnong.vn] - Mang thai hộ

Tìm người mang thai hộ là nhu cầu của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Các cơ quan thẩm quyền đang xem xét để mong muốn này có thể trở thành hiện thực.


Vợ chồng anh chị Nguyễn Văn V. và Trần Thu H. năm nay đã 45 và 39 tuổi sau gần 20 năm kết hôn và nỗ lực sinh con không thành, hai vợ chồng bày tỏ muốn tìm người... mang thai giúp. Chị Thu H. tâm tư: “Tôi cứ có bầu lại “tuột”, không giữ được thai. Có kỳ được 4 - 5 tháng còn hỏng. Tôi cũng đã đi khám các cơ sở chuyên khoa, điều trị thuốc nội tiết, dưỡng thai, kỳ có bầu cũng giữ gìn lắm, vậy mà vẫn không đậu”.

Chồng của chị H. bày tỏ: “Chúng tôi muốn được là cha mẹ của đứa con mang huyết thống của mình vì cả tinh trùng và trứng đều tốt, chỉ buồn nỗi có thai mà không giữ được nên muốn tìm người giúp... mang thai”.

Còn trường hợp của cặp đồng tính nam A. và T. làm trong lĩnh vực truyền thông và mỹ thuật cũng khá éo le. A. là con trai duy nhất trong gia đình. Mẹ của A. khi thấy con mình có “vợ” cùng giới thì mất ăn mất ngủ, bà nhất mực đòi A. phải lấy “vợ thật” để có cháu bế. A. vì nặng tình với T. nên không thể kết hôn nhưng vẫn muốn giữ trọn chữ hiếu. Vì vậy anh đã dành tiền ra nước ngoài làm thụ tinh ống nghiệm và thuê người mang thai hộ, sinh cho mẹ anh đứa cháu nội.

Theo quy định hiện hành, các “Vi phạm các quy định về sinh con theo phương pháp khoa học”:

1. Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tiết lộ các thông tin về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho, nhận tinh trùng, phôi.

b) Thực hiện việc cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi khi không được phép thực hiện.

c) Không bảo đảm điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Mang thai hộ.

b) Sinh sản vô tính.

(Trích Điều 31 - Nghị định 45/2005/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế)

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, nhiều cặp vợ chồng thực sự có nhu cầu tìm người mang thai hộ. Đó là tình huống người chồng có tinh trùng, người vợ có noãn (trứng) nhưng vì một số bệnh lý của người vợ (dị dạng tử cung, nguyên nhân liên quan nội tiết tố, một số bệnh mạn tính nếu mang thai nguy hiểm cho tính mạng) nên không thể mang thai. Vì vậy nên xem xét cho phép mang thai hộ.

“Hiện tại chúng ta đang cấm mang thai hộ nhưng các cơ quan làm luật và cơ quan quản lý cũng đang trong quá trình xem xét để cho phép mang thai hộ trong một số trường hợp. Vấn đề mang thai hộ đang được đưa vào dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện luật Hôn nhân gia đình. Về phía Bộ Y tế, chúng tôi cũng đề xuất theo hướng cho phép mang thai hộ”, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thông báo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Mang thai hộ là thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm từ noãn của người vợ với tinh trùng của người chồng tạo thành phôi. Phôi này sẽ được chuyển vào dạ con của người phụ nữ khác. Còn về mặt sinh học, đứa bé sẽ mang gien di truyền của bố mẹ chứ không mang gien của người mang thai hộ”. Ông Tiến cho rằng, cho phép mang thai hộ sẽ giúp cho rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn được làm cha mẹ.

Ông Nguyễn Huy Quang cho biết thêm, trong trường hợp “mang thai hộ” được chấp nhận cũng sẽ có các quy định chặt chẽ: chỉ người trong họ hàng mới được “giúp” mang thai; không được “giúp trực tiếp” nghĩa là người chồng không được quan hệ với người mang thai hộ. Các điều khoản cũng sẽ phải quy định rõ ràng để đảm bảo quyền làm mẹ của người nhờ mang thai, tránh tình huống tranh chấp quyền làm mẹ.

“Việc xác định đứa trẻ là con ruột của ai không chỉ là xác định mối quan hệ cha, mẹ - con mà còn liên quan đến vấn đề nhân thân, quyền thừa kế và các quyền dân sự khác”, ông Quang chia sẻ.

“Dự thảo chỉ xem xét cho các cặp vợ chồng khác giới, chưa xét đến các trường hợp đồng giới vì chưa chấp nhận hôn nhân đồng giới”, ông Quang lưu ý.

Nam Sơn
Ảnh: Shutterstock