Những ngày gần đây, 3 phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên của Bộ Giao thông Vận tải đang “gây bão” trong dư luận, đặc biệt là giới chuyên môn, các nhà khoa học đầu ngành. Tuy nhiên, những nỗi lo lắng, thấp thỏm của những người dân lao động gắn bó mật thiết với cây cầu này dường như chưa được nhắc tới.
Cô Lĩnh sống trên bè nổi ven sông Hồng lo lắng, nếu cầu Long Biên bị di dời cả gia đình sẽ không còn chốn nương thân. Cầu Long Biên đã tồn tại cùng thủ đô Hà Nội suốt một thế kỷ qua. Cũng ngần ấy thời gian hàng trăm, hàng ngàn con người, chủ yếu là người lao động nghèo đã mưu sinh nhờ cây cầu này. Dù không nắm rõ về 3 phương án đối với cầu Long Biên của Bộ GTVT, nhưng những người dân sống ở bãi giữa và ven sông Hồng đang sống trong trạng thái “mất ăn mất ngủ” khi nghe phong thanh thông tin, có thể cầu Long Biên sẽ bị di dời. Ven sông Hồng có đến 2-3 khu vực những người dân ngụ cư tập trung sống trên những bè nổi hoặc dựng nhà tạm bợ, mỗi khu khoảng 10-20 hộ với vài thế hệ cùng chung sống. Ở "làng nổi" ven sông này, mỗi người một quê nhưng đều giống nhau ở điểm, không ai có nhà cửa và đều phải mưu sinh bằng những công việc thu nhập ba cọc ba đồng. Đã vậy, nhà nào cũng đông con đông cháu nên cái nghèo cái khổ cứ thế đeo bám mãi không thôi. Vậy mà những ngày này, thông tin về cây cầu Long Biên có thể bị di dời khiến những người dân của làng nổi “mất ăn mất ngủ” vì nỗi sợ rằng, việc di dời cầu có thể sẽ ảnh hưởng tới nơi sống và sinh hoạt hàng ngày của họ. Cô Lĩnh, 50 tuổi, một người dân sống ở "làng nổi", cho biết: “Khu này có khoảng hơn chục hộ từ tứ xứ đến đây đã hàng chục năm nay. Nếu cầu bị di dời có khi chính quyền cũng yêu cầu chúng tôi sơ tán. Thực mà xảy ra như vậy thì dân ở đây không biết đi đâu, chui vào đâu, làm chẳng đủ ăn chứ đừng nói có tiền thuê trọ”. Cùng nỗi lo như cô Lĩnh, bà Liên, 70 tuổi, thêm vào: “Sốt hết cả ruột ra. Chả biết di dời cầu họ có bắt mấy nhà ở đây đi không, nhưng nếu mà thế thì đúng là hết đường sống. Ngần ấy con người có phải muốn di là di được đâu, mà cũng chẳng biết di đi đâu. Nếu các bác thương tình cho đẩy bè ra xa cầu hơn thì là phúc cho chúng tôi.” Nhìn gương mặt chứa đầy lo âu của những người dân ngụ cư sống trôi nổi ven sông Hồng mới thấu hiểu, một căn nhà dù tạm bợ cũng quý giá với họ biết nhường nào. Đó là nơi sinh hoạt thường nhật nhưng cũng là nơi mấy thế hệ ở làng nổi này sinh ra và lớn lên, thân thuộc tựa như nơi chôn rau cắt rốn.
Cuộc mưu sinh của những người dân "làng nổi" cũng đang từng ngày gắn bó với cây cầu lịch sử. Dù biết là “lách luật” để buôn bán trên cầu, nhưng vì miếng cơm manh áo cho gia đình mấy miệng ăn, những người này vẫn phải cố gắng bám trụ. Khi thông tin cầu Long Biên có thể bị di dời, các hộ kinh doanh trên cầu lại bồn chồn không yên, phấp phỏng lo việc kiếm miếng ăn sẽ ngày càng gian khó hơn. Chị N, một người bán ngô nướng đã hơn 4 năm trên cầu Long Biên mấy ngày nay đang chạy đôn chạy đáo tìm việc làm khi nghe thông tin có thể di dời cầu Long Biên. Chị chia sẻ: “Từ hôm nghe tin là phải tính đi tìm việc làm rồi, nhưng mình không có bằng cấp nên xin đâu cũng khó. Cả nhà tôi trông cậy vào hàng ngô nướng này, ngày nắng thì còn được, chứ ngày mưa thì chẳng có người mua. Nếu phá bỏ cầu nữa thì cả gia đình tôi biết sống bằng gì.” Cô P, một người bán rau trên cầu Long Biên vẻ mặt não nề khi được biết thông tin đang khiến dư luận “nổi sống” những ngày qua. Được biết, cả gia đình cô P gồm 3 thế hệ đang chung sống ở căn nhà dựng tạm tại bãi giữa sông Hồng. Tất cả 5 miệng ăn đều trông cậy vào mớ rau, con cá bán được mỗi ngày. Cô P thở dài: “Mấy hôm nay nghe tin mà chẳng ngủ nổi. Cả nhà trông cậy vào mấy đồng bạc bán hàng, giờ mà phá cầu thì biết bán hàng ở đâu mà kiếm ăn.” Trong lúc chờ đợi quyết sách cuối cùng của những người có trách nhiệm, hàng trăm người dân của làng nổi đang tự an ủi nhau rằng, nếu có di dời cầu thì cũng chưa biết đến khi nào. Họ mong mỏi, dự án của Bộ GTVT cứ mãi nằm trên giấy để họ giữ được căn nhà trôi nổi, dù là cứ độ tháng 5, 6, 7 là nhà lại chênh vênh đến cả ngọn cây “trông phát khiếp” như lời cô Lĩnh chia sẻ và cũng để miếng cơm manh áo cho cả gia đình họ nhờ cây cầu trăm tuổi này không mất đi. |