[Giải trí -Người Lao Động] - Những quy định bất khả thi về biểu diễn nghệ thuật

Đó là những quy định không có tính thực tiễn của cuộc sống khiến những người thực hiện đành bó tay trong quá trình thực hiện

Không phải đến tổng kết một năm thực hiện Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm ghi hình ca múa nhạc, sân khấu (Nghị định 79) và Thông tư 03 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện nghị định này, người trong giới mới nhận ra những “độ chênh” giữa những quy định trên giấy và những gì diễn ra trong thực tiễn cuộc sống mà ngay từ đầu, mọi người đã thấy sự bất cập của nó.

Tốn chi phí 2 lần diễn

Tổ chức hội đồng nghệ thuật duyệt chương trình trước khi cấp phép biểu diễn là một quy định bất khả thi của Nghị định 79 trên thực tế. Vì sao thời gian qua, hầu hết các chương trình ca nhạc không thực hiện được buổi tổng duyệt trước khi chương trình diễn ra chính thức? Trước hết là khó khăn về ca sĩ. Hầu hết chương trình ca nhạc được tổ chức thời gian qua, đơn vị tổ chức chỉ có thể yêu cầu được ca sĩ đến chạy chương trình theo thời gian chọn của ca sĩ. Ca sĩ đến điểm diễn để tập dượt vài lần với đạo diễn cho quen sân khấu chứ hoàn toàn không có tinh thần duyệt chương trình.



Các chương trình ca nhạc hiện nay chỉ có thể chạy chương trình cho các tiết mục chứ khó có thể tổ chức một chương trình trình diễn như chính thức để tổng duyệt. Trong ảnh: Một tiết mục chạy chương trình của chương trình Âm nhạc và bước nhảy. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Tập hợp tất cả nghệ sĩ trong một khung giờ để duyệt không phải lúc nào cũng thực hiện được. Hiện nay, nghệ sĩ chạy sô diễn khắp nơi, thật khó bắt buộc họ bỏ thời gian đến diễn tổng duyệt. Thực tế, nhiều chương trình nếu có chạy đường dây trước cũng chỉ có vài ba ca sĩ ít tên tuổi đến tham gia, số ca sĩ ngôi sao hầu như vắng mặt. Nếu chương trình có mời ca sĩ ở xa thì việc yêu cầu ca sĩ có mặt trước ngày diễn để diễn phúc khảo là rất khó khăn.

Đó là chưa kể đến khó khăn trong sử dụng trang phục diễn. Bởi lẽ, nghệ sĩ đến diễn phúc khảo phải hóa trang và mặc đúng trang phục trình diễn trong chương trình chính thức. Điều này gây khó khăn cho cả nghệ sĩ và nhà tổ chức. “Hoặc là chúng tôi phải có 2 bộ trang phục giống nhau hoặc là sau khi diễn phúc khảo, chúng tôi phải giặt ủi liền mới có trang phục lên sân khấu vì thường đêm trước diễn phúc khảo thì đêm sau là diễn chính thức” - một ca sĩ nói.

Nếu thực hiện đúng theo quy định, đòi hỏi nhà tổ chức phải tốn chi phí gấp đôi đêm diễn chính thức mới thực hiện được buổi tổng duyệt, nghĩa là thù lao ca sĩ, diễn viên tăng gấp đôi; các chi phí âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật, kỹ xảo sân khấu… đều phải tốn 2 lần.

Ông Thái Huân, Giám đốc Công ty Star Touch, chỉ ra: “Nhiều lúc chúng tôi không thuê được sân khấu để diễn phúc khảo vì hiện nay, các chương trình diễn ra dày đặc, sân khấu không phải lúc nào cũng sẵn có. Hơn nữa, chi phí thuê sân khấu, trang thiết bị kỹ thuật biểu diễn không phải rẻ. Trong điều kiện làm sô diễn đang gặp khó khăn, chúng tôi lại phải tăng chi phí lên gấp đôi thì chịu sao nổi! Quy định này nếu thực hiện nghiêm thì gây rất nhiều khó khăn cho các đơn vị tổ chức biểu diễn”.

Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Công ty Giải trí Âm nhạc và Bước nhảy, lo ngại: “Liệu cơ quan chức năng có khả năng duyệt tất cả chương trình hay không? Nhất là ở các thành phố lớn như TP HCM, mỗi ngày có hàng chục chương trình lớn nhỏ, liệu họ có thời gian thẩm định hết không?”.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, phúc khảo vở diễn sân khấu là đúng nhưng việc phúc khảo các chương trình ca múa nhạc đôi khi không cần thiết. Tại sao chúng ta không giao cho người đứng đầu của đơn vị chịu trách nhiệm như một số ngành nghề khác?

Ông Thái Huân cũng cho rằng: “Hiện nay, nhiều công ty tổ chức biểu diễn làm việc dựa trên uy tín. Cơ quan quản lý có thể giao trách nhiệm cho các công ty này. Nếu vi phạm, chính công ty này sẽ chịu trách nhiệm”.

“Trong điều kiện duyệt chương trình gây tốn kém chi phí lại khó thực hiện triệt để, cơ quan quản lý cấp phép nên giao trách nhiệm cho đơn vị tổ chức, nếu họ sai phạm thì xử lý nghiêm là được!” - ông Nguyễn Thanh Phú ủng hộ thêm.

Không thể cấm dùng nhạc đệm ghi âm

Quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) rất được người trong giới và công chúng nghệ thuật biểu diễn đồng tình ủng hộ nhưng quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay âm thanh thật của nhạc cụ là không thực tế đối với ca sĩ.

Nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển cho rằng bản thu âm thường được hòa âm, phối khí hoàn chỉnh mà không phải bao giờ nhạc cụ sống cũng có thể làm được một cách đầy đủ. Thực tế trên thế giới, chẳng có nước nào cấm dùng nhạc ghi âm thay cho nhạc cụ biểu diễn cả. Vẫn có khoảng 20% sử dụng âm thanh thu sẵn; đặc biệt, họ thường phối hợp giữa nhạc cụ và âm thanh thu sẵn trong các chương trình. Vì thế, nếu bắt buộc bỏ hẳn âm thanh thu sẵn như ở Việt Nam là điều quá vô lý vì thực tế không phải chương trình nào, sân khấu nào cũng có khả năng tổ chức dàn nhạc sống.

Nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển cũng cho rằng quy định này chỉ phù hợp với những chương trình lớn, mang tính kinh doanh. Vì nếu dùng nhạc cụ sống, nhà sản xuất sẽ bán giá vé cao để bù cho tiền đầu tư ban nhạc. Nhưng đối với những chương trình quy mô nhỏ, diễn ở vùng sâu, vùng xa, mang ý nghĩa từ thiện… thì rất khó khả thi.

Ông Nguyễn Thanh Phú nói thêm: “Một đêm ở TP HCM có biết bao nhiêu chương trình diễn ra, làm sao đủ nhạc công để đánh live hết các địa điểm vì nhạc công không thể chạy sô được”.

Nhiều ca sĩ nói rằng mỗi ca khúc họ trình diễn đều có bản phối ghi âm ưng ý nên nếu hát với ban nhạc sống ở mỗi sân khấu (nếu có) khác nhau thì họ không có thời gian tập luyện và không thể đạt được hiệu quả như bản ghi âm mình có.

Diễn thời trang cùng dàn nhạc sống: Càng khó!

Hiện nay, đa số chương trình trình diễn thời trang lớn, ca sĩ phải hát live (sống) nhưng nhạc thì vẫn phải thu sẵn. Rất hiếm chương trình có dàn nhạc trình diễn live ngay cạnh sàn catwalk. Một nhà thiết kế có tên tuổi tại TP HCM lắc đầu: “Một ban nhạc chơi cho chương trình thời trang cần 9-10 nhạc công. Nhiều khi chúng tôi không đủ tiền để mời cả ca sĩ lẫn ban nhạc nên chỉ ưu tiên mời ca sĩ hát live, còn nhạc thì vẫn dùng nhạc nền thu sẵn. Nếu quy định trên bắt buộc cho cả lĩnh vực thời trang thì làm khó chúng tôi quá!”.


Kỳ tới: Khốn khổ vì nghệ sĩ Việt kiều