[Xã hội-Báo Đất Việt] - Đường Việt Nam đắt hơn đường Mỹ và cảnh báo ODA

(Tin tức thời sự) - Việt Nam, phải điều chỉnh dần, bớt dựa vào ODA, chứ đừng quá hào hứng quá với nguồn đầu tư từ bên ngoài.

Báo Nhật "tố" quan chức đường sắt Việt Nam nhận hối lộ Báo Nhật tố nhận hối lộ:Cam kết trong sạch vẫn đình chỉ

Trước thông tin Chủ tịch Công ty tư vấn Nhật Bản JTC đã hối lộ hơn 16 tỷ đồng cho cán bộ đường sắt Việt Nam để trúng thầu một dự án ODA, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có những lý giải quanh vụ việc này.

Trả lời trên Dân Trí, vị chuyên gia này cho biết, lời tố cáo của JTC ít nhiều đã cho thấy được sự gian dối trong xây dựng công trình như thế nào.


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng dự án càng to tham nhũng càng lớn.

So sánh con số 16 tỷ đồng tiền "lại quả" cũng như tầm quan trọng của dự án đường sắt đô thị Hà Nội với vụ Huỳnh Ngọc Sỹ trước đây, bà Lan cho biết những con số thể hiện một điều, dự án càng to quy mô tham nhũng càng lớn.

Lần này số tiền không chỉ lớn hơn so với vụ Huỳnh Ngọc Sỹ mà so với các dự án tương tự ở nước khác (Indonesia, Uzbekistan...) dường như mức độ tham nhũng ở Việt Nam cũng lớn hơn, nghiêm trọng hơn bạn bè lân cận.

Bà Lan lý giải, "Vấn đề này, tôi thấy cũng phù hợp với những vấn nạn ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đề cập khi thảo luận về Luật Đầu tư công, đó là các dự án tăng giá gấp 3 so với ban đầu.

Ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, dự án về giao thông, chi phí cũng tăng gấp 2 - 3 lần. Do vậy, Việt Nam mới có những con đường đắt nhất hành tinh".

Chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định, chắc chắn có sự rút ruột công trình để "bôi trơn", "lại quả".

Do đó, có những dự án đường cao tốc ở Việt Nam thường đắt gấp đôi ở Mỹ, Trung Quốc nhưng thông xe được ít ngày đã thấy ổ voi, ổ gà.

"Không có gì khác để có thể giải thích chi phí xây dựng đường xá ở Việt Nam lại đắt hơn chi phí ở Mỹ và Trung Quốc ngoài những lý do đó (tiền bôi trơn, lại quả).

Ngoài việc chi phí làm đường sá đắt hơn, chất lượng công trình cũng tệ hơn đáng kể so với Mỹ và Trung Quốc. Điều đó cho thấy sự yếu kém của chúng ta ở rất nhiều mặt từ hệ thống lập dự án, đấu thầu, tư vấn giám sát, kiểm định, nghiệm thu… Tất cả các khâu đó có vấn đề hết mới dẫn đến kết quả chi phí cao mà chất lượng thấp", vị chuyên gia này phân tích.

ODA có những vấn đề gì?

Chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định, để tránh gây phản ứng bất lợi với bên ngoài, Bộ GTVT cần phải rút kinh nghiệm từ bài học Huỳnh Ngọc Sỹ, đừng để đối tác bên ngoài mất niềm tin vào Việt Nam hay người dân bất bình hơn nữa.

Phải làm nghiêm túc để kiên quyết trừng phạt những người liên quan đến tham ô, tham nhũng.

Bà Lan cho biết, ODA cũng là một nguồn cho đầu tư công của nhà nước nhưng cách làm lâu nay thực sự rất nhiều bất cập. Do vậy, những lùm xùm liên quan đến số tiền "lại quả" ở Tổng Công ty Đường sắt khiến bà không mấy ngạc nhiên.

Bà Lan chia sẻ, chúng ta nói thì rất ghê, bộ máy cũng rất đồ sộ nhưng gần như hoàn toàn bất lực, chẳng làm gì được tham nhũng mà cứ phải để bên ngoài phát hiện ra mới vào cuộc.

Trong khi đó, các vụ việc chỉ dừng lại ở những cá nhân nào đó không thể chạy trốn được nữa thì mới ra mặt để xử lý. Như vụ án Dương Chí Dũng thuộc loại lớn nhất nhưng đến giờ cũng bị tắc...

"Tôi thấy tham nhũng phải có đường dây, nhưng điều vô lý là khi xét xử, chỉ một người chịu tội. Còn xung quanh người đó, cấp trên, cấp dưới, ai hậu thuẫn thì khó quét tới.

Với vụ lại quả lần này, việc đình chỉ những người có liên quan như vậy là đúng rồi nhưng phải xét kỹ thêm những ai có thể liên quan. Đánh tham nhũng mà chỉ rút được vài cái dây, chặt được vài nhánh rồi thôi thì không giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề", bà Lan thẳng thắn.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng đưa ra lời cảnh báo cho Việt Nam, đã là nước thu nhập trung bình thì phải điều chỉnh dần, bớt dựa vào ODA.

"Điều quan trọng lúc này là phải phát triển bằng các nguồn lực trong nước, làm sao khơi dậy được sức dân, doanh nghiệp chứ đừng quá hào hứng quá với nguồn đầu tư từ bên ngoài", vị chuyên gia này nói.

Ngày 24/3, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, cho biết sẽ ký quyết định tạm dừng công việc của 2 Phó Tổng giám đốc VNR.

Người thứ nhất là ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt của Tổng Công ty. Người thứ hai là ông Trần Quốc Đông, từng có thời gian phụ trách Ban Quản lý dự án nói trên.

Cùng với ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt đã bị tạm dừng công việc 15 ngày.

Lam Lam (Lược theo Dân Trí)