Mới đây, tại buổi hội thảo dự báo về kinh tế 2014, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đã đặt ra câu hỏi đối với Chính phủ cần phải đánh giá rõ giá bất động sản (BĐS) còn “bong bóng” hay không.
Ông Lịch dẫn chứng một căn biệt thự tại TP.HCM được bán với giá 45 tỉ đồng nhưng giá cho thuê chỉ 5.000 USD/tháng. Như vậy mua biệt thự này về để có thể sinh lời phải mất đến 35 năm mới thu hồi vốn, nghĩa là “bong bóng” giá vẫn còn. Có những ngôi nhà ở TP.HCM nếu đem cho thuê có khi cần đến 60-70 năm mới thu hồi lại vốn. Nếu thị trường vẫn còn “bong bóng” BĐS thì các giải pháp sẽ khó phát huy tác dụng, ngay cả việc triển khai nhà ở xã hội. Chính phủ không nên cứu thị trường BĐS mà nói thẳng là không thể, Chính phủ chỉ có cách đưa ra những chính sách để tự thị trường điều chỉnh. Đồng tình với ý kiến này, một chuyên gia địa ốc cho biết hiện nay đang có nhiều doanh nghiệp (DN) giảm giá căn hộ, thậm chí giảm tới 50% giá so với trước. Điều đó cho thấy giá trị của các dự án BĐS hiện nay có thể nói đang ảo, khối “bong bóng” vẫn còn quá lớn. Nhưng liệu việc giảm giá của một vài DN có trở thành xu thế của cả thị trường và giúp làm “xì bong bóng” giá BĐS? Xin thưa rất khó, vì điểm mặt những chủ đầu tư đang dùng chiêu giảm giá sản phẩm đều là những “đại gia” mua bán lại những dự án sắp chết. Chủ đầu tư cũ đang nợ buộc phải bán bằng mọi giá, chắc chắn giá bèo để gỡ lại chút vốn, thậm chí mong được mua vì nếu duy trì thì phải trả lãi ngân hàng, nguy cơ nợ nần chồng chất. Và những “đại gia” này sẵn sàng ép giá, khi mua với giá rẻ chắc chắn họ có thể giảm giá. Dù vậy thị trường hiện nay số đại gia này đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, giá BĐS hiện nay khó có hy vọng giảm vì các chủ đầu tư đã bỏ chi phí khá lớn, nhất là phí “bôi trơn”, thứ phí chiếm phần lớn trong tổng chi phí và cũng rất ảo. Khó mà bảo DN công bố chi phí thật của dự án, vì vậy giá BĐS vẫn sẽ ở mức cao. Có nhiều ý kiến khác lại cảnh báo coi chừng các giải pháp giải cứu BĐS sẽ có tác dụng ngược “thổi giá” tạo lại “bong bóng” thị trường này. Hậu quả không khôi phục được thị trường này mà nền kinh tế và người dân không được lợi ích gì. Gói 30.000 tỉ đồng lợi ích chưa thấy đâu nhưng nó đã tạo cơ hội cho DN tiếp tục giữ giá BĐS, tiếp tục mọc lên các dự án trong khi tồn kho vẫn chưa được giải quyết. Nguy hiểm hơn là tác động vào tâm lý của người tiêu dùng, vô tình hâm nóng ảo lại niềm tin vào thị trường BĐS. Nếu còn đổ tiền cho DN, DN lại vay ngân hàng, người tiêu dùng cũng vay ngân hàng để đầu tư và đầu cơ BĐS… Kinh doanh theo tâm lý “bầy đàn” kiểu này thì bao nhiêu tiền đổ vào cũng không đủ sức cứu. Bơm tiền vào BĐS như thổi cái bong bóng, căng quá vỡ thì hậu quả còn tệ hơn. QUANG HUY |