Chuyện thật nghe như đùa khi không khí cũng được đóng chai và đem đi bán với giá cao tại Trung Quốc. Ý tưởng đóng chai không khí được các nhà sản xuất nghĩ ra sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập tới mức độ ô nhiễm tại nước này tại cuộc họp hàng năm của phiên Đại hội Nhân dân toàn quốc diễn ra vào tháng 3 vừa qua. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, các công ty du lịch tại tỉnh Quý Châu đã tổ chức họp báo công bố kế hoạch bán các chai không khí trong lành lấy từ địa phương này làm quà lưu niệm khi khách du lịch đến với nơi đây. Ông Fu Yingchun, giám đốc văn phòng quản lý du lịch của tỉnh Quý Châu cho biết, ngành thương mại không khí đóng hộp ngày càng nở rộ và trở thành đặc sản nổi tiếng của địa phương.
| Không khí sạch đóng chai được thương mại hóa tại Trung Quốc. | Các công ty du lịch đã lấy ý tưởng từ một người Mỹ đã thành công trong việc lưu trữ lại 1 chai không khí sạch trên đỉnh núi Phú Sĩ ở Nhật. Theo như báo cáo, các công ty tư nhân hiện đang rất quan tâm tới sự phát triển của dòng sản phẩm có một không hai này để phát triển tại các tỉnh Chiết Giang, Hà Nam, Phúc Kiến... và đang lên kế hoạch xin giấy phép địa phương kinh doanh loại sản phẩm đặc biệt này. Mỗi chai không khí được bán với giá từ 50-200 NDT (tương đương 8-32 USD) tùy theo kích cỡ cũng như "chất lượng" không khí trong chai. Nguyên liệu bao gồm chai thủy tinh giá 3 NDT (0,48 USD) và không khí tự nhiên hoàn toàn miễn phí. Việc kinh doanh này rõ ràng có lợi cho cả đôi bên khi chính phủ Trung Quốc đã chi ra 282 tỷ USD trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng vẫn không thành công. Trong năm 2012, tỷ phú Chen Guangbiao, chủ tịch công ty đồ uống Chen đã tuyên bố sản xuất 100 nghìn thùng không khí sạch được lấy từ Đài loan và tỉnh An Huy Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó việc kinh doanh đổ bể khi phó chủ tịch của công ty ông Wang Lifeng thừa nhận số không khí trên lấy trực tiếp từ nhà máy của mình có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông. Ông Wang thừa nhận việc kinh doanh không khí sạch chỉ giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân chứ nó không có khả năng giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm tại Trung Quốc. Hải Đăng (theo WCT)
|