[Kinh tế-BizLive] - Doanh nghiệp xin nới room ngoại đợi chính sách

Nhiều doanh nghiệp đã được cổ đông thông qua tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 60-65%, cá biệt có trường hợp lên tới 90%. Động thái này của các doanh nghiệp nhằm thuận lợi trong đàm phán với đối tác cũng như giảm thời gian và chi phí xin ý kiến cổ đông.


Ảnh minh họa.

Theo Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam (room khối ngoại), giới hạn sở hữu của các nhà đầu tư ngoại với công ty đại chúng là 49%. Với các ngân hàng thương mại, tỷ lệ này chỉ là 30%.

Tuy nhiên, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) hôm qua thông báo chốt danh sách cổ đông xin tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 60% vốn điều lệ. Văn bản của Hoa Sen cũng ghi rõ, việc tăng tỷ lệ sở hữu này trong trường hợp pháp luật cho phép.

Trước Hoa Sen, 2 công ty chứng khoán là Kim Long (mã KLS) và An Phát (mã APG) đã được cổ đông thông qua việc tăng room khối ngoại lên lần lượt là 65% và 90%.

Không đưa ra một tỷ lệ cụ thể, nhưng Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (mã CII) trình cổ đông tại Đại hội thường niên được tổ chức ngày 15/4 ủy quyền cho HĐQT xem xét và quyết định tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khi được Chính phủ cho phép.

Việc các doanh nghiệp trên xin ý kiến cổ đông việc nới room khối ngoại được đưa ra khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang trình Thủ tướng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 55. Theo đó, tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa ở các công ty đại chúng sẽ được nâng từ 49% lên 60%. Đối với công ty chứng khoán và chứng chỉ quỹ, tỷ lệ này được nâng từ 49% lên 100%. Đối với cổ phiếu không có quyền biểu quyết, nhà đầu tư nước ngoài được phép mua không giới hạn.

Mặc dù xuất hiện nhiều tin đồn trên thị trường nhưng vẫn chưa có thời điểm chính thức về thời điểm nới room khối ngoại. Trong khi đó, Thông tư hướng dẫn thi hành Quyết định mới cũng đang được Ủy ban Chứng khoán lấy ý kiến các thành viên thị trường tới hết tháng 4/2014.

Lý do các doanh nghiệp sớm trình cổ đông ngay trong kỳ Đại hội cổ đông thường niên năm nay là bởi theo dự thảo, các doanh nghiệp muốn tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài phải được quá bán (hơn 50%) cổ đông không phải cổ đông nước ngoài thông qua.

Trong khi đó, chia sẻ của các lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy, việc triệu tập đại hội cổ đông chỉ để xin nới room tốn kém cả về chi phí và thời gian. Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, thời gian từ lúc triệu tập cho tới khi tổ chức xong đại hội cổ đông phải mất tới 60 ngày.

Trường hợp của Hoa Sen có lẽ do Tập đoàn bắt đầu niên độ tài chính hàng năm vào ngày 1/10 và đã tiến hành đại hội cổ đông thường niên năm 2014 vào ngày 8/1/2014, trước thời điểm xuất hiện thông tin về Quyết định thay thế Quyết định 55.

Một điểm đáng chú ý nữa, cả 4 doanh nghiệp trên chưa từng kín room khối ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên dưới 40% tại Tôn Hoa Sen và CII, nhưng tỷ lệ này tại Kim Long hiện chỉ hơn 5% và tại An Phát thậm chí gần như bằng 0.

Chia sẻ mục đích của việc xin tăng room tại Đại hội cổ đông thường niên của Kim Long cuối tháng 3/2014, theo Chủ tịch HĐQT Hà Hoài Nam nhằm thuận lợi khi đi đàm phán. Trên thực tế, ông Nam cho biết, đối tác nước ngoài chưa nhiều nên việc đám phán chưa có gì cụ thể mà mới chỉ đang tìm kiếm.

Ông Trần Thiên Hà, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc An Phát cũng cho biết, việc tìm đối tác của công ty cũng đang trong quá trình đàm phán.

Theo thống kê, với hơn 700 doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội, chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp, tương ứng tỷ lệ 4%, là thường xuyên kín room khối ngoại. Đây đều là những doanh nghiệp có các yếu tố cơ bản tốt như tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, trả cổ tức cao, tỷ lệ nợ thấp như Vinamilk, FPT, Chứng khoán TP.HCM (HSC), vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)... Các doanh nghiệp này đều chưa có động thái xin nới room mặc dù chỉ cần hở room thì nhà đầu tư nước ngoài lập tức mua lấp đầy.

Ông Phạm Ngọc Bích, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietnam Holdings, cho rằng nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước vẫn chỉ quan tâm tới các doanh nghiệp niêm yết có chất lượng tốt và phát triển ngành nghề lâu dài. Ông Bích nhận định, nếu được nới room thì khả năng vốn ngoại lại tiếp tục chảy vào các mã cổ phiếu này.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiếm Tổng giám đốc chứng khoán SSI - mã cổ phiếu thường xuyên kín room khối ngoài và cũng là người từng đề xuất nới room lên 100% nói: "Vấn đề của chúng ta là làm thế nào để cho thị trường minh bạch, để thu hút được nhiều nguồn vốn vào thị trường, bao gồm cả trong nước và ngoài nước, chứ không đơn thuần chỉ là một vài công ty tốt nới room để thu hút vốn rất nhanh của các tổ chức nước ngoài".

Theo Fica