[Giáo dục -ANTĐ] - Kỹ năng “lách” qua cửa hẹp

ANTĐ - Ngày 17-3, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội đã đưa ra nhiều thông tin tư vấn về kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập.


Hà Nội chỉ đảm bảo khoảng 70% học sinh THCS vào lớp 10 công lập

- Với hàng chục nghìn thí sinh chuẩn bị tham gia tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội sắp tới thì đây là thời điểm cần đưa ra quyết định dự thi vào trường nào. Theo ông, làm thế nào để có những lựa chọn hợp lý?

- Chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2014-2015, Hà Nội vẫn tiếp tục phương thức xét kết quả học tập, rèn luyện 4 năm học THCS kết hợp với thi tuyển 2 môn Ngữ văn và Toán. Theo tôi, các bậc phụ huynh nên chọn những trường phù hợp với năng lực của con em mình. Sở GD-ĐT vẫn cho phép mỗi thí sinh đăng ký 2 nguyện vọng. 2 nguyện vọng này, theo tôi, cần có khoảng cách tương đối để nếu không đạt nguyện vọng 1 thì vẫn còn cơ hội ở nguyện vọng 2.

- Thực tế vẫn có những trường hợp chọn trường quá cao so với khả năng nên mất cơ hội vào những trường công lập khác dù kết quả thi không hề thấp. Vậy có cách nào giúp phụ huynh, học sinh lựa chọn đúng đắn nhất?

- Các trường THPT ở Hà Nội có thể được chia thành 3 tốp, trung bình, vừa phải và tốp đầu điểm đầu vào tương đối cao. Với học sinh 4 năm học THCS có kết quả học tập tốt, kết quả rèn luyện đạo đức tốt, học lực khá giỏi trở lên thì có thể đăng ký vào trường tốp đầu. Những em có học lực trung bình khá, điểm trung bình 4 năm chưa cao thì nên đăng ký vào nhóm trường vừa phải hoặc trung bình.




- Nhiều người vẫn cho rằng nếu chỉ căn cứ vào kết quả học tập được đánh giá trên lớp thì sẽ không chính xác. Vậy có nên tìm đến các trung tâm ôn luyện, tham gia các kỳ thi thử để căn cứ vào đó đăng ký trường phù hợp?

- Với lời khuyên từ góc độ nhà quản lý giáo dục, tôi cho rằng phụ huynh, học sinh khi đăng ký nguyện vọng thì nên đăng ký một đầu cao, một đầu thấp. Khi thi nếu không đỗ nguyện vọng đầu tiên thì còn nguyện vọng còn lại. Hiện nay, về cơ bản việc dạy và đánh giá ở 4 năm ở trường THCS phản ánh khá trung thực kết quả học tập của các em. Có thể căn cứ vào đây để chọn trường phù hợp với năng lực của mình.

Còn về việc có nên thi thử ở các trung tâm ôn thi hay không thì theo tôi không nên. Bởi việc ra đề thi của các trung tâm này không chuyên nghiệp, không đảm bảo yêu cầu khách quan Sở GD-ĐT đề ra. Việc ra đề thi tuyển sinh phải được thực hiện trên cơ sở lập hội đồng ra đề, căn cứ trên khảo sát năng lực của học sinh để đưa ra đề thi đảm bảo sát với đối tượng dự thi. Thường thì các trung tâm không nắm bắt được trình độ học sinh, không nắm vững chuẩn kiến thức kỹ năng Bộ GD-ĐT đưa ra cũng như những đòi hỏi của Sở GD-ĐT trong tuyển sinh lớp 10. Điều này sẽ dẫn tới đề thi quá khó hoặc quá dễ, khiến các em nhầm lẫn về năng lực bản thân, kéo theo lựa chọn trường đăng ký dự thi không chính xác.

- Vậy ông có thể cho biết đề thi năm nay sẽ được định hướng như thế nào?

- Năm nay, đề thi Ngữ văn và Toán vẫn bám sát vào chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ GD-ĐT. Để đạt kết quả tốt trong kỳ thi này học sinh cần đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng. Đề thi bao giờ cũng có những phần đánh giá từ học sinh trung bình đến khá giỏi. Học sinh trung bình có thể làm được 5, 6 điểm, học sinh khá giỏi thì có thể đạt 8, 9 thậm chí 10 điểm. Như vậy sẽ phù hợp với nhu cầu đầu vào của những nhóm trường như tôi đã phân tích ở trên.

- Xin cảm ơn ông !

Vinh Hương (Thực hiện)