[Kinh tế-Lao Động] - Kiểm soát xe quá tải: Cần bịt ngay những "lỗ hổng" phát sinh tiêu cực

Theo Thông tư 03 của Bộ GTVT ban hành ngày 22.2.2011 sửa đổi bổ sung Thông tư số 07 ngày 11.2.2010, xe tổ hợp đầu kéo sơmi rơmoóc càng nhiều trục thì tổng trọng tải càng lớn: Loại 3 trục có tổng trọng tải cả hàng và xe cho phép 26 tấn, tương ứng 4 trục là 34 tấn, 5 trục là 44 tấn và 6 trục trở lên là 48 tấn. Trên thực tế, nhiều lái xe vẫn bị xử phạt lỗi bị quá tải, dù rằng tổng trọng của hàng và xe vẫn nằm trong giới hạn như quy định của Thông tư 03.


Xe quá khổ, quá tải ở Hải Phòng. Ảnh: HOÀNG HOAN

Không quá tải cũng bị phạt!

Theo phản ánh của anh Cường (lái xe đầu kéo Cty TNHH vận tải Long Phú - TPHCM), việc các cơ quan chức năng cân xe theo trục hiện nay để làm cơ sở xử phạt quá tải gây nhiều bức xúc cho lái xe và DN vận tải, vì đa phần các xe khi kiểm tra khó thoát vi phạm. Nguyên nhân do hàng hóa đặt trên xe không thể dàn đều trọng lượng trên mỗi trục theo đúng quy định. Hơn nữa, mỗi loại hàng hóa có những đặc thù riêng, có thể nhẹ ở trục này nhưng lại quá tải ở trục khác.

Ông Nguyễn Hữu Thắng - GĐ Cty TNHH Long Phú (có 28 đầu kéo, 40 rơmoóc) - cho biết: “Gần đây xe, lái xe của Cty thường xuyên bị “ăn” biên bản lỗi quá tải. Nhiều hôm vận chuyển hàng gạch men với tổng trọng tải khoảng 24 tấn (nếu theo Thông tư 03, tổng trọng tải cho phép là 26 tấn thì vẫn không quá tải), nhưng chúng tôi vẫn bị phạt do trục 3 bị quá tải hơn 10%, trong khi đó trục 1 và 2 vẫn dưới tải cho phép. Với tình trạng hiện nay, nguy cơ sẽ dẫn đến sự lãng phí trong năng lực vận chuyển hàng hóa; đồng thời, làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa (do không dám chở quá tải nên phải vận chuyển nhiều lượt), tác động làm đội giá thành sản phẩm và cuối cùng người tiêu dùng đều chịu thiệt”.

Xe "siêu trường, siêu trọng" vẫn lưu thông!

Hiện tại, các loại xe siêu trường, siêu trọng vẫn chở hàng quá khổ quá tải, hàng cồng kềnh, bất chấp quy định của Nhà nước khi chỉ cần có giấy lưu hành đặc biệt. Một lãnh đạo Cảng Hải Phòng cho biết: Năm 2013, lượng hàng hóa thông qua các cảng tại khu vực Hải Phòng đạt gần 55 triệu tấn, trong đó chiếm số lượng lớn là các cấu kiện phục vụ cho các dự án lớn của đất nước như máy phát điện, cuộn thép, tôn khổng lồ, những cây gỗ lớn... không thể cắt rời được. Về nguyên tắc, nếu muốn vận chuyển những lô hàng này phải dùng xe chuyên dụng có nhiều trục.

Tuy nhiên, số lượng xe rất ít, hàng hóa lại nhiều, nên nhiều lô hàng vẫn dùng các loại phương tiện đầu kéo thông thường. Dù nhiều đơn vị chọn cách vận chuyển bằng đường sông hoặc đường sắt, nhưng rồi vẫn phải sử dụng đường bộ để chuyển hàng đến nơi cần thiết. “Vì vậy, nếu nói việc cắm biển báo tải trọng để hạn chế phương tiện quá khổ quá tải thì thực chất không hiệu quả, bởi cuối cùng, những lô hàng này vẫn được chở đến địa chỉ cần đến” - ông này cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Giám đốc Cty vận tải Hoàn Cầu (Hải Phòng) - cho biết: Hầu hết các loại xe đầu kéo sơmi rơmoóc 3 cầu trục nhập về đều được thiết kế để chở trên 50 tấn hàng hóa, nhưng đăng kiểm chỉ cho phép chở khoảng 30 tấn (chưa kể tải trọng của xe) khi tham gia giao thông.

Thực tế trước đây, các lái xe nhiều lần phải chở những loại hàng tạm gọi là siêu trường siêu trọng như các cuộn tôn, thép có trọng tải lớn, những thiết bị máy móc không thể cắt rời hay hạ tải được... miễn là xin được giấy phép lưu hành đặc biệt.

Theo ông Hoàn, nếu phải làm một cầu, đường khác cho những phương tiện siêu trường, siêu trọng lưu thông thì mới cần giấy phép đặc biệt. Đằng này cũng vẫn đường ấy, cầu ấy mà bắt DN phải xin giấy phép là tạo thêm thủ tục để "hành" DN.